Ra Mắt Hồi Ký "Phóng Viên Chiến Trường-Tình Yêu Ngục Tù và Vượt Biển" tại San Jose

Hoàng Sơn Long

Tập Hồi Ký Tình Yêu Ngục Tù và Vượt Biển của hai cựu phóng viên chiến trường miền Nam Việt Nam Dương Phục và Vũ Thanh Thủy được giới thiệu tại hội trường Quận Hạt Santa Clara vào lúc 1 giờ chiều ngày 11 tháng 9 năm 2016. Số người đến tham dự khá đông có trên 250 người¬, đối với San Jose đây là buổi ra mắt sách có nhiều người đến mua sách và nghe các diễn giả có tên tuổi trình bày như: nhà báo Trùng Dương (nguyên chủ nhiệm báo Sóng Thần), nhà văn Giao Chỉ Vũ Văn Lộc, MC Nam Lộc, Phóng Viên Thanh Trúc đài RFA và SBTN, và nhà văn Hà Thúc Sinh.

Điều hợp chương trình do hai MC Nam Lộc và Uyển Diễm từ Nam Cali đến. Chương trình bắt đầu với nghi thức chào cờ Việt Mỹ và phút mặc niệm.

Nhà báo Huỳnh Lương Thiện chủ báo Mõ San Francisco đại diện ban tổ chức cho biết lý do tại sao có buổi ra mắt sách ngày hôm nay. Cách đây vài tháng nhà văn Trần Phong Vũ ở Nam Cali có giới thiệu tập Hồi Ký của Dương Phục và Vũ Thanh Thủy với Huỳnh Lương Thiện. Sau khi đọc Tình Yêu Ngục Tù và Vượt biển của hai tác giả, nhà báo Huỳnh Lương Thiện ¬nhận thấy đây là một quyển sách rất giá trị, vì vậy ông và những người bạn đồng hành quyết định tổ chức một buổi ra mắt sách, mặc dù tình hình sách báo thơ văn hiện nay muốn ra mắt đọc giả rất là khó khăn. Nhưng hôm nay được đông đảo đồng hương đến ủng hộ làm tác giả, ông và BTC phấn khởi. Theo ông, đoạn ông tâm đắc, xúc động và khâm phục hai tác giả là đọan cả hai đã tình nguyện theo các con tàu lớn trở lại biển Đông cứu giúp đồng bào vượt biển đang lâm nạn như chính họ các năm trước.

Diễn giả đầu tiên là nhà văn Giao Chỉ Vũ Văn Lộc, một cư dân thành phố San Jose được nhiều người biết qua nhiều lãnh vực phục vụ cộng đồng. Ông là người đầu tiên sáng lập viện bảo tàng thuyền nhân và VNCH. Theo nhà văn Giao Chỉ quyển hồi ký của Dương Phục và Vũ Thanh Thủy là sách hay nhất trong tất cả sách ông đã đọc qua vì có liên quan đến Việt Nam Công Hòa và thuyền nhân nên ông đề nghị Quốc Hội Hoa Kỳ vinh danh sách Tình Yêu Ngục Tù và Vượt Biển. Bà dân biểu liên bang Zoe Lofgren đọc lời tuyên dương tại Việt Museum trong buổi chiều ngày 10 tháng 9 năm 2016 nhân dịp kỷ niệm 40 thành lập IRCC và 10 năm Việt Museum. Nhà văn Giao Chỉ lướt qua các phần của quyển sách nói về tình yêu của 2 phóng viên chiến trường, nói về vượt biển , nạn hải tặc Thái Lan. Ông cho biết rất thích đoạn Dương Phục đã táo bạo "tán" Thanh Thủy bằng cách giật cái kẹp tóc của nàng rồi phóng lên trực thăng bay ra chiến trường với lời nhắn lại" Anh sẽ trả lại cho em nếu còn sống sót quay trở về". Rồi theo ông, đoạn Thanh Thủy và Dương Phục mục kích 2 vị Tướng VNCH khóc tại chiến trường cũng là một sự kiện độc đáo, hiếm có.

Diễn giả kế tiếp là nhà báo Trùng Dương (nguyên chủ nhiệm báo Sóng Thần) từ Sacramento đến. Trước khi vào chủ đề nhà báo Trùng Dương đọc một đoạn hồi ký của Dương Phục và Thanh Thủy dưới tiểu mục Ly Biệt Trên Biển theo bà là phần cảm động khi phải làm một hành động dứt khoát lúc chia tay. Nhà báo Trùng Dương kể lại những kỷ niệm khi làm việc chung với vợ chồng Dương Phuc Thanh Thủy trên đất Mỹ những tình cảm của bà dành cho họ. Bà cảm phục lòng hy sinh của họ đã trở lại biển Đông cứu người vượt biển.

Trên 17 phút, MC Nam Lộc giới thiệu tác phẩm Tình Yêu Ngục Tù và Vượt Biển. Theo MC Uyển Diễm cho biết đây lần thứ 2 ông Nam Lộc điểm sách, nhưng lần nầy không giống lần trước, ông nói một cách tự nhiên không cần giấy bút. Khi nhận sách của Dương Phục vì tình bạn ông đã hứa sẽ đọc và điểm sách, một công việc ông chưa từng làm hơn nữa với ông một khi cầm bất cứ tác phẩm nào đọc được vài trang sách là cơn buồn ngủ kéo đến (đây là bệnh chung của người có tuổi, không riêng gì Nam Lộc). Trên phi cơ đường dài đến Philippines thăm đồng bào Việt Nam còn kẹt lại ở Palawan. Nam Lộc đã chọn Phần II Chương Ba đọc trước thay vì đọc từ đầu của một cuốn sách dày hơn 700 trang. Phần II nói về Dương Phục từ lúc thơ ấu cho đến khi đi học tốt nghiệp trung học vào đại học. Nam Lộc vì tò mò muốn biết ông bạn mình lúc còn học ở trường Chu Văn An viết có đúng sự thật hay không, bởi vì ông và tác giả cùng trường cùng lớp khi ra trường năm 1965 mỗi người chọn một con đường để đi. Cuối cùng quyển sách đã thu hút lôi cuốn ông đọc gần hết 700 trang, cơn buồn ngủ biến mất một sự tỉnh táo để theo dõi câu chuyện của Dương Phục và Thanh Thủy ghi lại những sự thật mà cả hai người là chứng nhân của một thời đại bi ai, đau thương nhất của lịch sử Việt Nam. Ông mong rằng quyển sách nầy sẽ được chuyển ngữ cho thế hệ sau hiểu được lịch sử Việt Nam vào cuối thế kỷ 20.

Tôi tham dự nhiều buổi ra mắt sách từ nhiều năm qua, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được nghe một vị nữ lưu làm diễn giả trong một buổi ra mắt sách. Cô Thanh Trúc nữ phóng viên đài Á Châu Tự Do (RFA) và SBTN từ Washington DC đến, với vóc dáng của người phụ nữ Á đông trong chiếc áo dài màu xanh dậm. Trong vòng 20 phút cô đã tạo một ấn tượng tốt đẹp qua lối diễn giải từng vấn đề trong cuộc sống của người Việt tị nạn Cộng sản. Cô nói tất cả chúng ta đều có một mẫu số chung, và trong mỗi người chúng ta đều mang một chấn thương tâm lý do cuộc chiến gây ra. Cô dẫn chứng từ trong quyển sách của một nhà văn nữ người Do Thái “ Một đất nước có chiến tranh kéo dài trong nhiều năm là một nỗi bất hạnh cho dân tộc đó”. Trong tác phẩm Tình Yêu Ngục Tù và Vượt Biển cô thích nhất những chương nói về Sài Gòn sụp đỗ, ngục tù và nhất là phần phóng viên chiến trường của 2 tác giả.

Nhà văn Hà Thúc Sinh với tác phẩm nổi tiếng Đại Học Máu làm diễn giả sau cùng, ông bảo những gì trong tác phẩm của Dương Phục và Thanh Thủy đã được các diễn giả trước trình bày một cách chi tiết đồng thời đã nói hết cái hay cái đẹp của một tập Hồi Ký nói về chiến tranh, ngục tù và vượt biên tìm tự do. Nhà văn Hà Thúc Sinh bảo: giữa ông và tác giả trước kia có một khoảng cách một gang tay về cách suy nghĩ cũng như trong cuộc sống, nhưng giờ đây sau khi đọc xong tập hối ký nầy ông nhận thấy giữa ông và tác giả không còn một khoảng cách nào. Nhà văn Hà Thúc Sinh nghĩ Dương Phục và Vũ Thanh Thủy là một cặp trời sinh, họ ăn ý nhau trong những lúc khó khăn nghiệt ngã khi phải làm một quyết định. Hơn ai hết Hà Thúc Sinh từng là người tù cải tạo nên ông rất thích khi đọc phần vượt ngục trốn trại của Dương Phục.

Sau cùng ông bà Dương Phục và Vũ Thanh Thủy lên diễn đàn nói lời cám ơn ban tổ chức, các diễn giả và quan khách đến tham dự cũng như mua sách ủng hộ. Bà Vũ Thanh Thủy cho chiếu một phần của đoạn phim do chương trình TV 20/20 của đài ABC news Hoa Kỳ thực hiện trong một phóng sự dài trên 45 phút với chủ đề cứu người vượt biển. Trong đó có Vũ Thanh Thủy và Dương Phục đã quay trở lại cứu người trên biển Đông, cũng để thực hiên lời tâm nguyện sau khi thoát khỏi đảo Kra của Thái Lan. Bà Vũ Thanh Thủy đã tâm tình với mọi người về món nợ đời mà hai ông bà đã cưu mang, đã là món nợ thì phải trả. Nhưng trả bằng cách nào?

Sau cùng, phần trao đổi giữa cử tọa và tác giả cũng rất hào hứng thú vị .

Buổi ra mắt sách kết lúc 4.00 PM trong không khí hài hòa, phần văn nghệ do đoàn Du Ca Bắc Cali yễm trợ. Phần ẩm thực do công ty Lee's Sandwich. bảo trợ.

Dương Phục-Vũ Thanh Thủy


VTT & DP trong phoøng phaùt thanh Ñaøi Saigon Houston 900 AM

Dương Phục và Vũ Thanh Thủy đều là phóng viên chiến trường của miền Nam Việt Nam trước 1975, từng lãnh Anh Dũng Bội Tinh Ngôi Sao Bạc và giải Phóng Sự Chiến Trường của VNCH. DP là trưởng ban tin tức Đài phát thanh Quân đội trong lúc VTT là phóng viên của Đài Tiếng Nói Tự Do.

Sau Ngày Quốc Hận 30-4-1975, cả hai trải qua nhiều nhà tù Cộng Sản và đời sống trốn chạy trong vòng bốn năm sau khi DP trốn khỏi nhà tù Long Giao, cho tới khi cả hai vượt thoát khỏi Việt Nam bằng đường biển. Họ trải qua nhiều cướp bóc và đọa đầy trong 21 ngày kinh hoàng bị hải tặc bắt nhốt trên đảo Ko Kra, trước khi đến được trại tị nạn Songkhla tại Thái Lan và định cư tại Hoa Kỳ vào tháng 9-1980.

Dương Phục- Vũ thanh Thủy cùng viết một lá thư ngỏ tường thuật mọi thảm cảnh họ trải qua trên đường vượt biển gửi báo chí quốc tế. Lá thư này được Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan phổ biến cho truyền thông thế giới dẫn đến những nỗ lực quốc tế cứu giúp thuyền nhân Việt Nam trong thập niên 80 và 90.

Dù đã an lành để tạo dựng cuộc đời, nhưng hai cựu phóng viên VNCH này không làm ngơ trước thảm cảnh thuyền nhân tị nạn đi sau họ đang phải gánh chịu. DP-VTT đã thay phiên nhau trở lại “Vớt Người Biển Đông” trên các con tầu nhân đạo do Boat People SOS Committee hợp tác với Hội Medecins du Monde của Pháp và Cap Anamur của Đức, vớt được hơn 3,000 thuyền nhân tị nạn Việt Nam tìm tự do trong thập niên 80.

Dương Phục – Vũ Thanh Thủy được báo chí thế giới biết đến qua các bài báo trên tạp chí Time, Elle, Ms. Magazine; USA Today, New York Times, và các chương trình truyền hình của Hoa Kỳ. Chương trình “20/20” của đài ABC News đã đi theo Vũ Thanh Thủy trong hai tuần VTT trở về “Vớt Người Biển Đông” trên chiến hạm Jeanne d’Arc của Pháp và trình chiếu đoạn phóng sự về thảm trạng thuyền nhân Việt Nam trên hệ thống ABC News khắp nước Mỹ năm 1989.

DP nguyên là phóng viên Phủ Tổng Thống năm 1972 và có mặt trong buổi trao trả tù binh Hoa Kỳ đầu tiên tại nhà tù Hỏa Lò Hà Nội năm 1973. Tại Hoa Kỳ, DP từng làm việc phỏng vấn nghiên cứu tại trường Đại Học UCSD, được Hiệp Hội Báo Chí Hoa Kỳ Sigma delta Chi năm 1987 trao giải thưởng Danh Dự “Xuất Sắc Báo Chí” về Phóng Sự "Escape" kể lại chuyến vượt trại tù cải tạo Long Giao.

VTT trở lại ngành truyền thông năm 1985, làm biên tập viên cho nhật báo San Diego Union-Tribune trong 13 năm trước khi di chuyển sang Houston, Texas năm 1998. VTT được Hội Phụ Nữ Toàn Quốc Hoa Kỳ (NOW) tặng giải “21st Century Woman Award” năm 1987, được mời diễn thuyết trong lễ tốt nghiệp trường Đại Học Marist College và tặng bằng Tiến Sĩ Danh Dự về Nhân Văn 1988. VTT cũng được Hebrew Union College trao tặng giải Nhân Quyền Quốc Tế Roger E. Joseph Prize năm 1989.

Hai người cũng cùng nhận chung nhiều giải thưởng toàn quốc Hoa Kỳ về Asian Entrepreneur Leadership (2002, 2003, 2005 và 2006 từ Asian Entrepreneur Magazine và Pan Asian American Chamber of Commerce) cùng giải “Lifetime Achievement” của Hiệp Hội Báo Chí Hoa Kỳ gốc Á (Asian American Journalist Association) năm 2006.

Tại Houston, hai người sáng lập cơ quan Mass Media năm 1997, mua lại Little Saigon Radio-Houston và trong hai năm, đã biến đài phát thanh Việt ngữ với nhân sự 5 người này thành Đài Saigon Houston 900 AM chuyên nghiệp, toàn thời gian, với 35 nhân viên và hơn 70 cộng tác viên phụ trách các chương trình phục vụ cộng đồng người Việt tại Houston cho tới ngày nay.

Năm 2004, DP-VTT sáng lập báo Saigon Weekly News và năm 2006 cho ra đời Đài Saigon Dallas. Năm 2011, họ phát triển thêm đài Saigon Network TV 51.3, hoạt động tích cực cho tới ngày nay.

Báo Houston Chronicle đã từng viết loạt bài ngày 31-7-2007 cho rằng Đài Saigon Houston KREH 900 AM đã góp phần xây dựng sự thành công thương mại của người Việt tại Houston và gây tác động khiến hàng ngàn dân cư vùng miền Tây và miền Đông Hoa Kỳ dọn về sinh sống tại tiểu bang Texas trong những năm đầu thập niên 2000.

THỜI BÁO phỏng vấn
Dương Phục & Vũ Thanh Thủy,
Hồi Ký “Phóng Viên Chiến Trường:
Tình Yêu, Ngục Tù & Vượt Biển”

1. Thưa Ông Bà Dương Phục- Thanh Thuỷ, câu chuyện xẩy ra đã trên 30 năm, Ông Bà có nghĩ cuốn hồi ký xuất bản hôm nay có chậm trễ hay không?

- VTT: Nhắc lại lịch sử không bao giờ là quá trễ vì những biến cố bi hùng của Việt Nam Cộng Hòa và cảnh sống của người dân miền Nam sau biến cố 30-4, luôn luôn cần được nhắc lại, viết lại cho thế hệ sau được biết tới để con em chúng ta hiểu thật rõ về chế độ Cộng Sản.

- DP: Hồi Ký xuất bản trễ hơn 30 năm. Trang chót Hồi Ký kết thúc ở trại tị nạn Thai Lan năm 1979, trang đầu viết về tháng 4-1975. Gần 700 trang trở ngược thời gian, kể lại các trận chiến khốc liệt chúng tôi tham dự với tư cách phóng viên chiến trường, các cuộc phỏng vấn nóng tại An Lộc, Quảng Trị... với binh lính và các tướng tư lệnh. Rồi đi tù Cộng Sản, trốn tù, vượt biển, hải tặc cầm tù trên đảo Kra.

Những câu chuyện có thật nhưng đã cũ, lẽ ra phải viết xong, xuất bản từ lâu. Tại sao? Chúng tôi tới Mỹ năm 1980, lại đối đầu một cuộc chiến mới, không nóng như chiến trận Việt Nam, không khốn khổ như ngục tù Cộng Sản, không trần ai như vượt biển, nhưng là cuộc chiến lạnh lùng, âm ỉ, đối phó với hoàn cảnh mới tại Mỹ, miếng cơm manh áo, công ăn việc làm, sinh thêm con cái, thích nghi hội nhập đời sống mới, chạy đua với kim đồng hồ từng ngày.

Chúng tôi phấn đấu, lao mình cố trở lại nghề cũ, trở lại cho bằng được ngành truyền thông. Và đã thành công trong việc tạo dựng một đài phát thanh chuyên nghiệp. Cái giá phải trả là chúng tôi đã không viết hồi ký được liên tục, khi việc điều hành một đài phát thanh rất tốn công, ngốn hết thì giờ viết lách, mà hồi ký là phải nhớ lại, viết theo trí nhớ, có sao viết vậy. Cho nên chúng tôi chỉ có thể viết khi thật thảnh thơi để hồi tưởng và nối lại từng giai đoạn trên 30 năm qua, xen kẽ với đời sống tất bật. Viết một năm, rồi ngắt quãng hai ba năm, không ngờ lên đến hơn 36 năm. Rồi cuối cùng cũng xong, cho dù không hoàn toàn như ý muốn, nhưng cũng xong được ý nguyện

2. Theo chúng tôi biết, cuốn hồi ký được viết ra từ cả hai Ông Bà. Trong bố cục của cuốn sách, Ông Bà đã kết hợp như thế nào để hoàn thành tác phẩm, theo trình tự thời gian hay sự việc?

- VTT: Là những nhà báo, chúng tôi quen ghi lại những điều mắt thấy, tai nghe, những gì chính mình đã kinh qua, nên khi quyết định kết hợp mọi tài liệu để in thành sách, chúng tôi để nội dung cuốn sách tự sắp xếp theo trình tự nào là khúc quanh quan trọng nhất trong cuộc đời của mình. Phải mất đến vài năm, chúng tôi mới tìm ra được cách để cả hai tác giả cùng thoải mái kể chuyện theo cảm quan riêng của mình về cùng một sự kiện hay một giai đoạn cuộc đời, mà không bị gò bó bởi cách viết của nhau. Chúng tôi thí nghiệm điều này bằng cách đọc một vài trích đoạn trong một chương trình phát thanh về "Tháng Tư Đen" và được thính giả đón nhận nồng nhiệt, nên cuốn sách được làm theo cách kể chuyện song song như thế.

- DP: Thông thường một tác phẩm chỉ có một tác giả. Nếu cuốn sách nhiều tác giả thì là một tuyển tập, mỗi tác giả là một câu chuyện khác nhau, vấn đề in ấn tách rời. Chúng tôi viết chung, đứng tên chung, nhưng tuy là chung một câu chuyện, nhưng lại hoàn toàn riêng, trong cách viết, và cách nhìn cùng một chuyện, nhìn từ góc cạnh và cảm quan khác nhau. Chúng tôi không bàn với nhau viết như thế nào. Mạnh ai nấy viết, không phải chỉ khác cách viết, mà khác ngày, khác lúc, không ngồi chung, bởi vì cách "nhớ lại" cũng khác thời điểm. Bởi vì hồi ký là viết theo trí nhớ, mỗi người nhớ khác nhau. Hồi ký là người thật, việc thật, không là viết văn, không tưởng tượng, cho nên người đọc có thể nhận ra, chúng tôi không nhớ đúng hệt nhau, và đoạn này đoạn kia ráp lại đôi khi không đúng khớp. Chúng tôi vẫn để nguyên như vậy mà in, chỉ edit những đoạn cho trôi chảy hợp lý theo thứ tự thời gian, nơi chốn một cách tương đối. Cho nên từng trang, độc giả chỉ thấy chữ in đậm PHỤC hoặc THỦY để độc giả biết ai đang kể chuyện. Chúng tôi "kể" lại câu chuyện, không phải là nhà văn, mà là phóng viên tường thuật. Kết hợp chỉ là như vậy.

3. Gửi tập hồi ký đến tay độc gỉa, Ông bà gửi theo thông điệp gì hay là một điều gửi gắm nào đến những người Việt ở hải ngoại và cả thế hệ tiếp nối không?

- VTT: Gửi Hồi Ký sau 37 năm thai nghén, chúng tôi muốn nói lên những sự thật mà hàng triệu người dân VNCH đều từng kinh qua, để thế hệ con cháu chúng ta hiểu rõ tại sao chúng có mặt tại hải ngoại, để chúng hiểu rõ lịch sử VNCH mà đừng quên nguồn cội. Và mong người trong nước đừng để lịch sử bi thảm của dân tộc bị lập lại, đồng thời để thế giới hiểu quân dân miền Nam đã chiến đấu anh dũng như thế nào trong cuộc chiến Việt Nam.

- DP: Viết là một gửi gấm. Đối với độc giả đồng lứa, hồi ký mang tên "Tình Yêu, Ngục Tù, Vượt Biển" là một gợi nhớ. Với các độc giả cũng từng trải qua tù Cộng Sản, trải qua vượt biển, thì cuốn sách là một tài liệu để nhắc con cái trong gia đình những kinh qua của quý vị, tương tự như vậy, câu chuyện gần giống như vậy, để đàn con lũ cháu biết tại sao chúng có mặt tại đây, bố mẹ ông bà đã gian khổ thế nào để có ngày thế hệ sau vươn lên tại hải ngoại. Đối với độc giả không cùng hoàn cảnh, không bị tù, không vượt biển, thì qua hồi ký, thông cảm hơn với người chung quanh đã từng thiếu may mắn hơn, để thương yêu nhau hơn. Hai chữ "Tình Yêu" trong tựa đề muốn gợi lên tình cảm đứng bên trên mọi gian truân, chỉ cần biết yêu và được yêu thì đau khổ cũng có thể làm tăng thêm hạnh phúc.

4. Khi đã đến được bến bờ tự do, sau những tháng ngày gian khổ, không như những ngưới vượt biên hay di tản khác, Ông Ba đã trở lại biển để cứu vớt những đồng bào đã trải qua những giây phút nghiệt ngã, khổ đau như Ông Bà, điều đó nói lên điều gì?

- VTT: Chúng tôi trở lại biển vì đã tự hứa sẽ không quên những người đi sau, vì khi trôi nổi gặp nạn trên biển, chúng tôi từng hy vọng được những người đi trước báo động cho thế giới tự do cứu giúp, và niềm hy vọng đó đã giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn kinh hoàng để sinh tồn hầu có ngày thực hiện được điều tự hứa này.

- DP: Chúng tôi trở lại biển Đông, theo các con tầu đi vớt thuyền nhân như một hạnh phúc được toại nguyện. Tôi theo tàu Cap Anamur II của Tây Đức trong vòng hai tháng năm 1986. Thủy theo trực thăng hạm Jeanne d'Arc của Hải quân Pháp hai tuần năm 1988. Chúng tôi là thành viên của Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS) cộng tác với Medecins du Monde, Cap Anamur gửi các con tàu ra khơi, trở về vùng ven bờ biển Việt Nam đón vớt thuyền nhân như là sứ mạng cần hoàn tất. Chúng tôi may mắn có cơ hội để tình nguyện, để hoàn tất một ước nguyện khi còn lênh đênh trên biển, bị các tàu lớn quốc tế bỏ rơi không cứu, là một ngày nào đó sẽ đi trên một con tàu vớt người đi sau.

5. Viết cuốn hồi ký này để mô tả lại một đoạn đường đau khổ của ngục tù, vượt trại, vượt biển, phấn đấu với cuộc sống mới, Ông Bà thấy điều gì đối với Ông Bà là đau khổ tận cùng, và điều gì Ông Bà nhận ra đó là niềm hạnh phúc thật sự?

- VTT: Đau khổ nhất là sự đày đọa tinh thần dưới chế độ Cộng Sản, niềm tuyệt vọng đường cùng không có ngày mai, sự làm ngơ của thế giới trước thảm nạn thuyền nhân bị dập vùi trên biển. Niềm hạnh phúc thật sự là có được tình thương của gia đình, bạn hữu trong cảnh khốn cùng. Hạnh phúc thật sự cũng là thấy mình hữu ích cho người khác và có được cơ hội trở lại cứu giúp những người đi sau. Chúng tôi mong chờ niềm hạnh phúc tương lai được cùng con cháu trở lại đóng góp cho một Việt Nam không còn Cộng Sản.

- DP: Bị Cộng Sản giam cầm, làm nhục là một đọa đầy, nhưng đau khổ thật là khi thấy đất nước tan hoang, nhục nhằn bị Cộng Sản cai trị. Đau khổ tận cùng vì bất lực khi bị Cộng Sản đàn áp, bị hải tặc hành hạ. Nhưng trong đau khổ bao giờ cũng có hạnh phúc của tình yêu, vợ chồng, bằng hữu, đồng cảnh đồng thuyền, càng lúc nguy nan càng rạng lên tình thương yêu, hy sinh tận tụy cho nhau mà hoàn cảnh bình thường khó nhận biết.

6. Ông Bà có dự định nào để gửi kinh nghiệm và tâm huyết đến cho lớp trẻ không? Và làm thế nào cho lớp trẻ quan tâm đến những bài học lịch sử đã thành hình bằng xương máu của cha ông? Và Ông có lạc quan về dự định này không, nếu có?

- VTT: Cuốn sách được hình thành do sự thúc đẩy của đàn con 5 đứa của chúng tôi, khi các cháu phải đối mặt với những bài học về cuộc chiến Việt Nam tại học đường Hoa Kỳ. Do đó, cuốn sách được viết cho giới trẻ, bắt đầu bằng bản Anh ngữ với sự cộng tác của cháu Dương Vũ Thuận An, con gái lớn của chúng tôi, để giới trẻ VN có được cái nhìn trung thực về cuộc chiến VN và về chủ nghĩa Cộng sản hầu đối chiếu với những sách thiếu trung thực về VNCH hiện có. Chúng tôi quyết định ấn hành bản Việt ngữ trước để mong sự tiếp tay của thế hệ cha ông khi ấn bản Anh Ngữ ra đời, cha ông sẽ giúp chúng tôi phổ biến đến con cháu họ, và những người bạn Hoa Kỳ của chúng ta nữa. Đến hôm nay, sự tiếp tay nồng nhiệt của độc giả với ấn bản Việt ngữ làm chúng tôi rất lạc quan về dự định của mình.

- DP: Dự định ao ước được lớp trẻ biết hơn về đất nước Việt Nam qua tác phẩm bằng Anh ngữ để đến với giới trẻ sâu hơn. Đa số tuổi trẻ lớn lên ở đây, trong đó có con cháu chúng tôi, chỉ nghe kể loáng thoáng, chỉ tìm hiểu về VN qua sách vở Anh ngữ của nhiều tác giả không phản ảnh trung thực. Chúng tôi đang hoàn chỉnh ấn bản Anh Ngữ của hồi ký này, hy vọng xong cuối năm nay, để giới trẻ có một tài liệu chính xác hơn về VN, về các kinh nghiệm của cha ông, để biết xác thực tại sao giới trẻ VN có mặt tại hải ngoại. Rất lạc quan vào giới trẻ ngày càng tình nguyện tham gia sinh hoạt cộng đồng. Nếu có nhiều tác phẩm bằng Anh ngữ phổ biến mạnh hơn sẽ ảnh hưởng đến thế hệ sau, giúp giới trẻ vững tin hơn về nguồn gốc VN của mình.

7. Đây là một câu hỏi của độc giả: Sách phổ biến hạn chế và không tìm thấy ở các nhà sách, như vậy có khó khăn cho dộc giả muốn có sách của Ông Bà hay không? Xin Ông Bà câu trả lời.

- Vì đây là lần ấn bản đầu tiên, chúng tôi không dám in nhiều, nên sách đã hết ngay sau 4 lần ra mắt. Do đó, dù sách đã được tái bản lần thứ hai, chúng tôi vẫn chưa đặt bán rộng rãi tại các nhà sách khắp nơi, mà chỉ dành phổ biến trong các buổi ra mắt và tại Đài Saigon Houston 900 AM.

Độc giả có thể gọi điện thoại số 713-917-0050 hoặc email về info@radiosaigonhouston.com để đặt mua sách. Trong tương lai gần, khi ấn bản Anh ngữ ra đời, chúng tôi sẽ gửi cả hai ấn bản và audio book lên Amazon để mọi người ở khắp nơi đều có thể mua được.

8. Ông Bà đã gặp gỡ độc giả ở địa phương nào và trong tương lai, ông Bà sẽ tổ chức giới thiệu cuốn sách này ở đâu?

- Chúng tôi hiện có lịch trình đã và sắp ra mắt sách năm 2016 như sau:

  1. 15-5 tại Houston, vì sách về không đủ nên ra mắt lần thứ hai vào 19-6,
  2. 28-5 tại Dallas, Texas
  3. 10-7 tại San Diego, California
  4. 17-7 tại Orange County, California
  5. 20-8 tại Ottawa, Canada
  6. 21-8 tại Montreal, Canada
  7. 28-8 tại Vancouver, Canada
  8. 3-9 tại Toronto, Canada
  9. 11-9 tại San Jose, California
  10. 22-10 tại Washington, D.C.
  11. 17-12 tại Orlando, Florida

Tường thuật Buổi Ra Mắt Sách 15-5-2016 tại Houston

Hồi Ký Phóng Viên Chiến Trường:

Tình Yêu, Ngục Tù & Vượt Biển

của Dương Phục & Vũ Thanh Thủy

Triều Giang

Khoảng 600 quan khách đã tề tựu tại phòng ballroom của nhà hàng Kim Sơn trên đại lộ Bellaire, của thành phố Houston vào lúc 10 giờ sáng Chủ nhật 15 tháng 5, 2016 để tham dự buổi ra mắt đầu tiên cuốn hồi ký do hai nguyên phóng viên chiến trường đồng tác giả; ông Dương Phục và bà Vũ Thanh Thuỷ hiện cùng là chủ nhân điều hành đài phát thanh Saigon Houston 900 AM tại Houston. Hồi ký: Phóng Viên Chiến Trường : Tình Yêu, Ngục Tù và Vượt Biển do Tủ Sách Tiếng Quê Hương tại Virginia vừa xuất bản.

Quan khách, ngoài số thính giả đông đảo của Đài Saigon 900 AM, bao gồm những vị dân cử như: Dân biểu tiểu bang Texas Hubert Võ, nghị viên thành phố Houston Steven Le, các thành viên của Tổ chức Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Houston & vùng phụ cận, đại diện đông đảo các hôi đoàn, thân chủ và thân hữu của hai tác giả, và hầu như có mặt đầy đủ giới truyền thông, báo chí Việt Nam tại Houston. Đặc biệt cuối tuần này cũng là dịp họp mặt của giới báo chí các ngành truyền thông quốc gia của VNCH trước 1975, nên một số đông ký giả, nhà văn, nhà báo và giới truyền thông trước 1975 đã góp mặt. Chỉ trong một giờ đồng hồ, 500 cuốn sách dành cho buổi ra mắt đã được khán giả chiếu cố hết sạch. Ban Tổ Chức phải hẹn độc giả đến lấy sách sau đó tại Đài Saigon.

Chúng tôi ghi nhận có ông Nguyễn Ngọc Linh, cựu Tổng trưởng Thông tin; nhà văn Uyên Thao, cựu Tổng thư ký nhật báo Sóng Thần, hiện cùng chủ trương Tủ Sách Tiếng Quê Hương với nhà văn Trần Phong Vũ; nhà báo Nguyễn Đạt Thịnh, chủ nhiệm Thời Báo Houston, cũng là một trong hai người chủ trương Báo Diều Hâu trưóc năm 1975, nhà báo Lê Phú Nhuận của đài phát thanh Sàigòn và Việt Tấn Xã trước 75, các ký giả Nguyễn Tuyển của nhật báo Người Việt tại California, Nguyễn Mạnh Tiến, cũng là phóng viên Nam Nguyên của đài phát thanh RFA, từng làm việc tại đài phát thanh Sài Gòn và báo Sóng Thần , nữ ký giả Yến Tuyết thuộc đài phát thanh Sài Gòn,… những người từng là đồng nghiệp với hai tác giả trong hơn nửa thế kỷ qua đã đến đây để chia sẻ và chung vui với đứa con tinh thần mà hai tác giả đã ấp ủ gần 40 năm qua.

Mở đầu với phần nghi lễ chào cờ và mặc niệm. Buổi ra mắt được tiếp nối bằng video clip chiếu trên 2 màn ảnh lớn với những đoạn phim của chương trình “20/20 “thuộc hệ thống truyền hình ABC với nữ ký giả truyền hình nổi tiếng Barbara Walter giới thiệu chương trình “Cứu Người Vượt Biển” của Tổ chức Boat People SOS mà hai tác giả Dương Phục-Vũ Thanh Thuỷ đã tham gia trong thập niên 80 sau khi họ định cư tại Hoa Kỳ. Chính họ đã từng là thuyền nhân và là nạn nhân của hải tặc. Họ đã cùng với nhiều tổ chức khác như “Hội Y Sĩ Thế Giới” (Doctor of the World) của Pháp và “Cap Anamur” của Đức… trở lại vùng biển Đông để cứu vớt thuyền nhân Việt Nam. Nỗ lực của những tổ chức này đã cứu được hơn 3,000 thuyền nhân đang trong nguy khốn cùng cực vì sóng gió, đói khát và hải tặc.

Nhìn cảnh bà Vũ Thanh Thuỷ giở lá cờ vàng ba sọc đỏ của VNCH để làm hiệu cho chiếc thuyền mỏng manh đầy ắp thuyền nhân trên biển Đông với những gương mặt xạm đen vì nắng gió và nét kinh hoàng còn in dấu trên đôi mắt của họ, và cảnh nhà báo Dương Phục thăm trại tị nạn với những căn lều rách nát, đông đúc, chen chúc những người không ai là không xúc động. Quan khách như đang sống lại với những ngày đau thương đó, chuyện như mới xảy ra hôm qua.

Chương trình được tiếp nối bằng ba bài diễn văn của ba diễn giả chính: Nhà truyền thông Lê Văn, cựu Chủ Biên chưong trình Việt ngữ của đài VOA, kỹ sư Nguyễn Ngọc Bảo, sáng lập viên hội Văn Hoá Khoa Học, và nhà văn Trần Phong Vũ trong Ban chủ trương Tủ Sách Tiếng Quê Hương.

Ngoài ra, còn một số nhà văn, nhà truyền thông và thân hữu đưọc mời phát biểu cảm tưởng như cựu Bộ trưởng bộ Thông tin Nguyễn Ngọc Linh, nhà văn Uyên Thao, nhà báo Nguyễn Mạnh Tiến, nhà báo Yến Tuyết, nhà truyền thông Thu Nga, LM. Phạm Hữu Tâm…

Xen kẽ các bài phát biểu là một chương trình văn nghệ với những ca khúc tình tự quê hương đi kèm với những slide show trong chủ đề “30-4, Tình Yêu, Ngục Tù và Vượt Biển” do nhóm nghệ sĩ tài tử của Houston phụ trách rất đặc sắc với sự góp mặt của các nhạc sĩ Võ Đức Phương, Hoàng Phúc, cùng các ca sĩ Bạch Hạc, Tiểu Muội, Hoàng Kim Thành, Nguyễn Đức Cường và Kim Thoa với ca khúc “Quê Hương Mình Ngộ Quá Phải Không Anh,” phổ thơ của cô giáo Trần Thị Lam.

Tác giả

Vào làng báo từ giữa thập niên 60; ông Dương Phục sanh ngày 9 tháng 9, 1945 là gốc người miền Bắc nhưng sanh tại Thanh Hoá khi cha ông được chuyển đến đây làm việc. Đang là sinh Luật, ông đã được nhận vào làm cho đài phát thanh Sài Gòn. Năm 1969, động viên vào trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, ông được điều về phục vụ Đài phát thanh Quân đội và cộng tác với nhật báo Sóng Thần. Ông là một trong số ít ỏi những phóng viên lúc bấy giờ được huấn luyện qua các khóa học của Bộ Thông tin dưới thời Tổng trưởng Thông tin Nguyễn Ngọc Linh và còn đưọc học khóa nhảy dù cùng với hai phóng viên quân đội khác là Lê Phú Nhuận và cố phóng viên Vũ Ánh để có thể nhảy dù thẳng vào các chiến trường để làm những bản tường trình nóng hổi tới thính giả toàn quốc qua làn sóng đài phát thanh Quân đội và Sài Gòn. Ông được chọn vào phái đoàn đại diện Việt Nam Cộng Hoà trong Hội nghị bốn bên, và là một trong 3 người của miền Nam Việt Nam đầu tiên đến đất Bắc Việt Nam sau gần 20 năm Bắc Nam chia cắt tại vĩ tuyến 17 để bàn về vấn đề trao trả tù binh theo Hiệp định Paris. Sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam, ông phải vào tù, ông vượt ngục, rồi vượt biển và đến Hoa Kỳ năm 1980.

Bà Vũ Thanh Thủy sinh ngày 24 tháng 9 năm 1950 tại Hà Nội. Bà vào nghề báo trong một dịp tình cờ. Đến khi có cuộc họp báo Mậu Thân Huế về những mộ chôn tập thể, bà tham gia và sau đó tình nguyện săn tin tại các chiến trường…. Trong những năm tháng này, bà có dịp làm việc chung và trở thành bạn với nhiều ký giả ngoại quốc tên tuổi như Marie Joannidis, Oriana Fallaci. Tác giả Vũ Thanh Thuỷ cũng từng cộng tác (free lancer) với báo Le Monde, hãng thông tấn AP và từng được tướng Đỗ Cao Trí tặng Anh Dũng Bội Tinh với Ngôi Sao Bạc vì sự dũng cảm của bà trong việc săn tin tại chiến trường Cam Bốt. Sau bà kết hôn với phóng viên Dương Phục, sanh con gái đầu lòng Thuận An vào những ngày Sài Gòn hấp hối. Khi chồng phải vào tù tập trung cải tạo của Cộng Sản, bà giúp chồng vượt ngục rồi vượt biên và cùng chồng và hai con đến Mỹ vào năm 1980.

Tác phẩm

Giống như tựa đề: Tình Yêu, Ngục Tù và Vượt Biển, cuốn hồi ký của hai phóng viên chiến trường nói về cuộc đời thăng trầm cùng với vận nước của họ. Họ yêu nhau trong chiến tranh, “hoà bình” đến thì bị đẩy vào ngục tù, sống không nổi trong nhà tù nhỏ được mỹ từ hoá là “trại học tập cải tạo”, và nhà tù lớn là xã hội Việt Nam sau khi rơi vào tay Cộng Sản, họ vượt ngục và cuối cùng vượt biên.

Từng đoạn đời của họ được kể lại trong một bối cảnh lịch sử của hai thập niên 60 và 70 của Việt Nam đầy máu lửa chiến tranh, bạo lực, chết chóc. Khi mà sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc. Lúc mà nhân phẩm của con người bị chà đạp, bị thách đố đến cùng cực. Giữa cái đúng và cái sai, điều thiện và điều ác chỉ cách nhau có một sợi chỉ mỏng manh. Theo bản năng, họ đã làm gì để sinh tồn và lý trí họ đã phải ứng xử ra sao để sống còn nhưng vẫn giữ được nhân phẩm? Tình Yêu, Ngục Tù và Vượt Biên trả lời độc giả câu hỏi này và gói ghém hành trình vượt thoát gông cùm Cộng sản để tìm tự do của hai người Việt Nam, hay nói đúng hơn, của một gia đình Việt Nam; gia đình của hai tác giả Dương Phục-Vũ Thanh Thuỷ.

Có gì lạ?

Có thể có ngưòi đã nghĩ rằng: lại thêm một hồi ký của người tù và thuyền nhân vượt biển, đã có hàng trăm cuốn được xuất bản trong hơn 40 năm qua. Có gì là lạ?

Sự thực Tình Yêu, Ngục Tù và Vượt Biển có rất nhiều điều lạ. Đây là hồi ký của hai phóng viên hành nghề và đã có tên tuổi từ trước 1975. Cái nhìn của họ sắc bén và tinh tế về những sự kiện xảy ra chung quanh với từng chi tiết mà người thường không chú ý. Và vì ngoài việc làm chứng nhân, họ còn là nạn nhân nên những cảm xúc sâu xa của họ được kể lại với những chi tiết sống động đã khiến người đọc như đang sống với họ trong từng giây phút mà họ đã sống qua. Tác giả Vũ Thanh Thuỷ đã phát biểu trong phần chào mừng và cảm tạ quan khách: “Rất nhiều cuốn sách đã viết lại những chuyện này, nhưng chúng tôi, là những phóng viên chiến trường, viết lại như bản tường trình của nhân chứng, kể lại những điều mắt thấy, tai nghe, chính mình kinh qua, trải nghiệm, như người thợ chụp hình, như chuyên viên ghi lại những âm thanh, như người thân kể chuyện đời mình lại cho những người thân khác”.

Vì cả hai đều là những ký giả có kinh nghiệm nên khi viết hồi ký thì hơi khó về việc quyết định ai là người viết chính, ai là người viết phụ? Cách xưng hô ra sao và khi nói về người kia phải dùng danh xưng thế nào để người đọc cảm thấy gần gũi nhưng không mang tính cách của một cuốn tiểu thuyết cải lương. Tác giả Vũ Thanh Thuỷ chia sẻ: “Nội dung câu truyện thì đã có sẵn, chỉ cần sắp xếp những chi tiết và thời gian là được. Nhưng cái khó là phải xưng hô làm sao đây? “tôi” và “chàng” hay “tôi” và “nàng”? Nghe sao có vẻ cải lương quá! Có như vậy thôi mà chúng tôi loay hoay hết 10 năm không biết phải quyết định ra sao? Cuối cùng, nhân một dịp Đài Saigon Houston thực hiện chương trình tưởng niệm Tháng Tư Đen 1975, chúng tôi đọc một số trích đoạn trên đài phát thanh 900 AM. Mỗi người đọc phần của mình viết về từng giai đoạn hay sự việc giống nhau nhưng ở góc cạnh của mỗi người. Cách xưng hô thì xưng “tôi” và nói về người kia thì dùng tên: “Phục” hay “Thuỷ”. Những bài đọc này được thính giả thích thú và tán thưỏng. Chúng tôi quyết định cứ giữ như vậy”.

Nhà truyền thông Lê Văn, cựu chủ biên chưong trình Việt ngữ của đài VOA, một trong ba diễn giả chính của buổi ra mắt với giọng hóm hỉnh và duyên dáng, ông nhận định:”Tôi rất thích lối viết xen kẽ. chàng viết một đoạn mô tả lại sự việc theo nhận định của mình, nàng lại viết một đoạn khác nói lên quan điểm của nàng về cùng một sự việc đó, phần nhiều là để bổ túc cho nhau nhưng đôi lúc cũng có sự khác biệt”

Phần phụ lục với bộ sưu tập hình ảnh riêng tư của gia đình cũng như về chiến tranh, về xã hội chung quanh, về cảnh tù đày, vượt biển cũng rất quý giá.

Nguồn tài liệu quý giá và trung thực

Chiến tranh VN đã chấm dứt hơn 40 năm qua, tại Hoa Kỳ đã có nhiều trăm cuốn sách viết về cuộc chiến tranh VN. Một số không ít đã viết bởi những phóng viên chiến trường người Mỹ. Xin đơn cử một vài như nữ ký giả Frances Fitzgerald với cuốn Fire In The Lake, Neil Sheehan với cuốn A Bright Shining Lie, Marilyn B. Young với cuốn The Vietnam War 1945-1990, Stanley Karnow với Vietnam War A History…những ký giả này khi đến VN, họ hầu hết không nói đưọc tiếng Việt, không hiểu gì mấy về lịch sử và văn hoá VN, nên dù họ có ngồi ngay tại Sàigòn hay đi ra ngoài chiến trận, họ không biết gì hơn ngoài những gì người thông dịch nói cho họ biết. Cuốn The Spy Who Loves Us của phóng viên chiến trường Thomas A, Bass tiết lộ hầu hết những tin tức các ký giả Hoa Kỳ nhận từ cơ quan thông tin của Hoa Kỳ và VNCH qua các bản tin, phần còn lại họ đi săn các nguồn tin lạ tại các quán cà phê Grival, Catinat, Continental thời bấy giờ để gặp nguồn cung cấp chính loại tin này là Phạm Xuân Ẩn, một tướng tình báo Việt Cộng đội lốt làm ký giả cho báo Time Magazine. Do đó, cái nhìn của họ về chiến tranh VN nghiêng hẳn về phiá CS hoặc quan điểm chống chiến tranh VN. Tiếc thay, những sách vở của họ lại là nguồn cung cấp dữ kiện cho các nhà viết sử để giảng dạy cho con em chúng ta tại các trường tại Hoa Kỳ.

Biết bao các ký gỉa Hoa Kỳ lấy chiến tranh VN là nơi để thăng tiến nghề nghiệp. Hàng chục ký giả, nhiếp ảnh viên Hoa Kỳ đưọc lãnh giải thưởng cao quý như Pulitzer. Chiến tranh chấm dứt, họ trở về và coi thời gian họ làm việc tại VN là những thành tích huy hoàng trong tiều sự của họ. Có những người lên ngôi vị hàng đầu của ngàng truyền thông Hoa kỳ với những số lương hậu hĩnh như Walter Cronkite, Dan Rather, David Brinkley, Peter Arnett, Philip Caputo, Tom Wolf. Và cả hai ngưòi bạn phóng viên ngoại quốc của tác giả Vũ Thanh Thuỷ mà bà đã nhắc đến trong hồi ký là Marie Joannidis, và Oriana Fallaci cuộc đời sự nghiệp họ đã đến tột đỉnh vinh quang, nhưng ngay cả tác phẩm của họ cũng đang được CSVN chọn dịch để dùng làm phương tiện tuyên truyền. Tác già Vũ Thanh Thuỷ chia sẻ với người viết về một cuốn sách của bà Fallaci được nhà nước Cộng Sản dịch ra tiếng Việt dưới tựa đề “Cuộc Sống, Cuộc Chiến Tranh…Và Rồi…”(không biết có phải đã đưọc dịch từ nguyên bản của cuốn: Wir, Engel Und Bestien: Ein Bericht Aus Dem Vietnamkrieg, là một trong trên 30 tác phẩm của Oriana Fallaci hay không?) trong đó có câu mà nhà xuất bản tâm đắc nhất cho phần giới thiệu: “Cuộc sống là phải chiến đấu. Như một Việt Cộng.” Vì không có nguyên bản nên chúng tôi không dám kết luận câu nói thiếu hiểu biết, hàm hồ đến lố lăng này đã được dịch trung thực từ nguyên bản hay không? Nhưng một điều rõ ràng là cả tác giả lẫn tác phẩm đang bị CSVN xử dụng vào mục tiêu tuyên truyền của họ.

Một công trình hiếm họi

Riêng với ký gỉa miền Nam Việt Nam, khi Cộng sản chiếm chính quyền, họ đã bắt trên 100 ký giả, nhà văn vào tù và coi họ như những “phần tử nguy hiểm cho chế độ”. Rất nhiều người đã chết trong tù. một số khác phải chịu những bản án tù nặng nề hàng chục năm như Uyên Thao, Thanh Thương Hoàng. Hoàng Hải Thuỷ, Lý Đại Nguyên, Văn Quang,.. Khi ra khỏi tù, họ còn bị nhiều năm quản chế gắt gao, thêm vào số tuổi chồng chất nên hầu hết các ký gỉa đã không theo đuổi nghề nghiệp. Đây là một mất mát lớn cho người Việt Nam tự do trong việc phản bác lại lịch sử sai lạc trong học đường Hoa Kỳ, trên thế giới và ngay cả tại Việt Nam. Do đó, Tình Yêu, Ngục Tù và Vượt Biển là một trong những tác phẩm hiếm hoi của giới truyền thông báo chí trước năm 1975.

Ông Nguyễn Ngọc Linh trong phần phát biểu đã bày tỏ sự vui mừng và hãnh diện về hai tác gỉả. Ông nói: “ Tôi rất vui và hãnh diện vì không ngờ rằng những người mà tôi từng huấn luyện đã trải qua những quãng đời khó khăn nay lại có thể làm công việc mà ít ai có thể làm được như cuốn hồi ký này. Tôi đã đọc một mạch trong hai đêm…”

Nhà văn Trần Phong Vũ người biết cả hai tác giả từ khi họ còn niên thiếu đã xác nhận tính cách trung thực của cuốn hồi ký và ông bày tỏ sự hãnh diện về hai tác giả mà ông hằng quý mến.

Nhà văn Uyên Thao, với tư cách nhà chủ trương Tủ sách Tiếng Quê Hương, nhắc lại những kỷ niệm làm báo Sóng Thần với tác giả Dương Phục.

Ký giả Nguyễn Mạnh Tiến xác nhận tính cách trung thực của hồi ký và chi tiết mà hai tác giả đã có những ghi nhớ khác biệt là họ bắt đầu gặp nhau ở đâu? Ông Nguyễn Tiến xác nhận là tại mặt trận An Lộc, trùng khớp với tác giả Vũ Thanh Thuỷ. Thật ra, tác giả Dương Phục viết ông "nhìn thấy" VTT lần đầu tại Khe Sanh, cũng như VTT viết "nhìn thấy" Dương Phục lần đầu tại chiến trường Cam Bốt. Cả hai tác giả chỉ "chạm mặt nhau" tại mặt trận An Lộc.

Nhà báo Yến Tuyết thì gọi hồi lý là “bản tường trình đặc biệt” nói theo ngôn ngữ chuyên môn của giới phát thanh.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo trong bài diễn văn hùng hồn đã so sánh Tình Yêu, Ngục Tù và Vượt Biển với Cuốn Theo Chiều Gió của Margaret Mitchell, Chiến Tranh Và Hoà Bình của Leo Tolstoy, Về Miền Đất Hứa của Leon Uris mà ông hằng yêu mến.

LM. Phạm Hữu Tâm ghi nhận những đóng góp trong mọi sinh hoạt chính trị, xã hội, văn hoá của hai tác giả trong cộng đồng người Việt Houston. Theo LM. Tâm cuốn hồi ký là một đóng góp đặc biệt của hai tác giả mang tính cách ích lợi lâu dài cho giới trẻ.

Riêng với người viết, khi biết hai tác giả Dương Phục – Vũ Thanh Thuỷ viết và đang dịch hồi ký Tình Yêu, Ngục Tù Và Vượt Biển sang tiếng Anh, chúng tôi rất lấy làm vui mừng và hy vọng hồi ký này sẽ đóng góp một phần quan trọng trong việc cung cấp những dữ kiện lịch sử trung thực về chiến tranh Việt Nam và nhất là Việt Nam thời hậu chiến.

Ở hoàn cảnh chúng ta, những “người thua cuộc” không giống như “bên thắng cuộc” có quyền cao chức trọng, có nhà cửa, dinh thự nguy nga cướp được của người khác để truyền lại cho con cháu, chúng ta chỉ có một di sản tinh thần là bài học làm người, phải làm sao để đứng dậy với nhân cách sau khi ngã? Chính nhân cách này sẽ giúp con cháu chúng ta đứng thẳng trước những bất công của xã hội, những áp bức của bạo quyền. Và chính những di sản này sẽ giúp những người dân từ Vũng Áng của miền Trung tới đồng bằng sông Cửu Long đứng dậy đòi quyền làm người, đòi một môi trường trong sạch, một chính quyền minh bạch mà cả thế giới đang nhìn vào với sự đồng cảm và thán phục.

Riêng với những người con của tác giả; các cháu Dương Vũ Thuận An, Châu Giao, Bình Minh, Trang Thu, và Mai Kim và ngay cả những người trẻ VN sẽ hãnh diện và mang ơn hai tác giả đã trao lại cho các em bài học mà họ đã viết bằng mồ hôi, nước mắt, và cả máu trong quá khứ. Hôm nay đây, bài học này được họ đã và đang ghi lại bằng chữ nghĩa để có thể lưu truyền cho các em và cho con cháu các em mãi mãi sau này.

Triều Giang

(05/2016)

Đọc tới giòng cuối bản thảo tập hồi ký “Phóng Viên Chiến Trường: Tình Yêu - Ngục Tù & Vượt Biển” của vợ chồng Dương Phục và Vũ Thanh Thủy vốn là phóng viên chiến trường trước 1975, ý nghĩ còn đọng lại: Đây là một tác phẩm hiếm, quý, mang những nét đặc thù khó thấy trong những văn phẩm cùng loại từ nhiều năm qua. Cả hai tác giả cũng là người chứng của giai đoạn khốc liệt nhất trong ngót mười năm cuối chiến cuộc miền Nam, là nạn nhân trực tiếp của ‘bên thắng cuộc’ … trước khi lao vào cuộc phiêu lưu kinh hoàng trên biển cả,… họ đã trực diện với biết bao hoạt cảnh bi thương, tàn nhẫn, phi nhân tính giữa con người với con người. Nhưng, trong mọi cảnh ngộ, nơi họ như luôn toát ra một niềm tin yêu bất tận, nơi mình, nơi người, gắn kết với niềm tín thác đá vàng vào sự an bài của Thiên mệnh.

- Trần Phong Vũ

Dương Phục và Vũ Thanh Thủy là phóng viên chiến trường đã lăn lộn với những trân đánh khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, đã trải nghiệm thế nào là ngục tù cộng sản, đã vượt biển với con thơ đói sữa trên tay, đã chứng kiến hải tặc tàn bạo thế nào với những người vượt biển thân cô thế cô. Là phóng viên, Dương Phục và Vũ Thanh Thủy không cho phép ngòi bút của mình hư cấu. Sức lôi cuốn của “người kể chuyện” chính là sự thật. Mỗi giòng, mỗi chữ trong tác phẩm này là sự thật. Đó chính là những gì để lại cho mai sau.

- Dương Kiền

Nhắc đến hai cái tên Dương Phục và Vũ Thanh Thủy, nhiều cấp chỉ huy từ quân đoàn đến tiểu đoàn của Quân Lực VNCH trước năm 1975 còn nhớ. Đó là một cặp “trai tài gái sắc” của hàng ngũ phóng viên chiến trường thời chiến tranh Việt Nam đã qua. Họ chẳng kém gì các phóng viên chiến trường quốc tế ở Việt Nam. Tôi nhớ rất rõ khi nhận được phóng sự thu thanh của Dương Phục lúc bay vào An Lộc, bị bắn hạ giữa đường. Anh tường thuật ngay từ khi máy bay trực thăng chở anh bị đạn bắn xối xả, máy bay chao đảo muốn rớt và sắp nố tung. Tiếng anh hét trong máy thu thanh cùng với tiếng súng, tiếng máy bay, tiếng người la lối hỗn loạn trong tình thế đối diện với tử thần. Anh gửi lời chào từ biệt đến thính giả nghe đài. Nhưng cuối cùng máy bay của anh đáp xuống quốc lộ 13 và được một trực thăng bạn đến giải cứu. Đài PTQĐ và Đài Saigon cùng phát cấp tốc phóng sự đó. Đây là phóng sự làm tôi thú vị và hãnh diện nhất trong cuộc đời làm việc với phóng viên tiền tuyến… Tôi nghĩ “Trời cho của nào được của đó” nhưng chính tài năng, nghị lực và lòng yêu nghề của hai người bạn phóng viên này cũng là yếu tố quyết định sự thành công của họ.

- Văn Quang

Chúng tôi đã sống trọn vẹn định mệnh của đời mình, và định mệnh cá nhân gắn bó cùng định mệnh của đất nước và dân tộc Việt. Với nhiều người, đây có thể là điều bất hạnh. Nhưng với chúng tôi, những ký giả chiến trường luôn muốn được là nhân chứng cho lịch sử, chúng tôi coi đó là diễm phúc: khi được vui buồn với vận nước, được hạnh phúc và đau khổ cùng với hàng triệu người dân miền Nam, Việt Nam Cộng Hòa.

- Dương Phục – Vũ Thanh Thủy

Phóng Viên Chiến Trường: Tình Yêu - Ngục Tù & Vượt Biển thuật lại cuộc đời hai tác giả Dương Phục và Vũ Thanh Thủy, từ những ngày dấn thân vào lửa đạn chiến trường cho đến lúc khởi đầu cuộc sống tỵ nạn nơi xứ người. Giữa hai thời điểm này là quãng thời gian họ bị giam cầm trong ngục tù Cộng sản, trốn tránh sự truy lùng của bạo quyền sau khi vượt ngục, rồi cuộc vượt biển tìm tự do hãi hùng với 21 ngày bị hành hạ bởi bầy hải tặc trên một hoang đảo ở Biển Đông. Trải qua ngần ấy đọa đầy, có lẽ gỗ đá cũng bị nghiền nát; tuy nhiên, Dương Phục - Vũ Thanh Thủy đã vượt qua mọi chướng ngại bằng sự kết hợp của nghị lực, óc khôn ngoan, lòng dũng cảm, may mắn, và quan trọng hơn cả, bằng Tình Yêu họ dành cho nhau. Triết gia La Bruyère (1645-1696) đã từng nhận định, “Khi một quyển sách có khả năng nâng cao tri thức, khiến mình phát sinh lòng dũng cảm và tình cao thượng, thì đó là một quyển sách hay, và được sáng tác bởi tay lão luyện.” Thiết nghĩ, bên cạnh giá trị về lịch sử, Phóng Viên Chiến Trường: Tình Yêu - Ngục Tù & Vượt Biển là tác phẩm đáp ứng được điều kiện vừa kể.

- Nguyễn Ngọc Bảo

Cuốn hồi ký Phóng Viên Chiến Trường: Tình Yêu - Ngục Tù & Vượt Biển của Dương Phục - Vũ Thanh Thủy vừa là phóng sự chiến trường, vừa là chuyện tình riêng tư, chuyện tù cải tạo, chuyện vượt biển tìm tự do, tạo thành một trường thiên tiểu thuyết lịch sử, với những biến chuyển lâm li, đột ngột khiến người đọc hồi hộp theo dõi một cách thích thú… Cuốn hồi ký này cũng vừa là chứng nhân của một thời đại, lại vừa chan chứa tình người, tình vợ chồng, cha mẹ, anh em, bè bạn trong mọi hoàn cảnh éo le xảy tới cho dân tộc sau ngày Quốc Hận. Làm phim giả tạo chưa chắc đã hay nhưng cuốn hồi ký dựa trên thực kiện này thì rõ ràng là lôi cuốn hấp dẫn từ đầu đến cuối.

- Lê Văn

Không đơn thuần chỉ là phóng sự tường thuật của phóng viên, tập Hồi ký của Dương Phục – Vũ Thanh Thủy còn gửi gắm tất cả tâm tư tình cảm của hai tác giả trong đó. Có những phần rất riêng cho gia đình, cho bạn bè, cho đồng đội hay những người chung cảnh ngộ. Nhưng cũng có phần rất chung, như một con người Mang Tâm Tình Viết Lịch Sử vậy. Đây là một tập hồi ký đặc biệt, viết song song. Cùng một thời điểm, cùng một sự kiện nhưng được cả hai tiếp nối rất ăn ý, liền như một mạch văn nhưng có… âm dương làm phong phú hơn, lôi cuốn hơn.

- Đinh Tiến Luyện

Tôi thích lối viết nhẹ nhàng, trẻ trung của hai tác giả Vũ Thanh Thủy và Dương Phục – hai phóng viên tôi được biết từ thuở chưa mất nước. Anh Dương Phục kể lại chuyện anh và Thanh Thủy đến Đại Lộ Kinh Hoàng quan sát thảm cảnh trên Khúc Đường Máu phía Nam Quảng Trị: “Chưa bao giờ chúng tôi thấy nhiều người cùng chết một nơi như vậy. Thủy kêu lên thảng thốt, ‘Trời ơi! Họ bị phục kích!’ Tim tôi quặn thắt, và Thủy làm vội dấu thánh giá, rồi quay sang một bên nôn thốc tháo. Gần chỗ tôi là thi thể một người mẹ, tay còn ôm đứa con trong lòng, đứa bé vẫn đang ngậm vú mẹ.” Chứng kiến những cảnh đau lòng như vậy là một trong nhiều yếu tố giúp người phóng viên trưởng thành và nhân bản hơn.

- Nguyễn Đạt Thịnh

Ra mắt sách “Phóng Viên Chiến Trường – Tình Yêu, Ngục Tù và Vượt Biển

By Phương Thụy -
June 2, 2016

Garland – “Thật là độc đáo, ít có vợ chồng nào cùng làm phóng viên chiến trường, cùng vượt biên, và cùng làm báo… cho đến cuối đời”. Nhiều khán giả trong buổi ra mắt cuốn sách “Phóng Viên Chiến Trường – Tình Yêu, Ngục Tù và Vượt Biển” đã bày tỏ như vậy tại Trung Tâm Cao Niên Dallas, thành phố Garland, Texas trưa ngày Thứ Bảy 28 tháng 5 năm 2016.

Đó là cuốn hồi ký của cặp vợ chồng nhà báo Dương Phục & Vũ Thanh Thủy. Tâm điểm để vợ chồng nhà báo nổi tiếng này cưu mang hồi ký nói trên những 37 năm chính là để nói lên sự thật về việc mắt thấy tai nghe, ghi lại những tường trình nóng bỏng về những cuộc chiến đấu của người lính Quốc gia, những cuộc hành quân gian khổ trong các chiến dịch, những cuộc tiếp xúc với các Tư Lệnh mặt trận, những năm tháng trong ngục tù cộng sản, những âm mưu vượt thoát khỏi ngục tù cộng sản, và khổ nạn vượt biên mà anh chị đã có mặt như một chứng nhân…

Vũ Thanh Thủy & Dương Phục ký tặng sách

Trung úy Dương Phục khóa 2/69 Thủ Đức, phóng viên Đài phát thanh Quân Đội. Vũ Thanh Thủy, phóng viên Đài Tiếng Nói Tự Do. Là phóng viên chiến trường, cả hai bay vào vùng lửa đạn, đội pháo phòng không như một người lính tác chiến, tham dự vào trò chơi máu lửa của chiến trường.

Theo một bài viết của nhà văn Văn Quang, trước kia là sếp của Dương Phục, kể lại khi trực thăng chở Dương Phục bị trúng đạn phòng không sắp rơi, anh còn tường trình đến phút cuối và gửi lời vĩnh biệt thính giả, cuối cùng may mà phi công đã đáp được xuống đất.

Cả hai vợ chồng đều được ân thưởng Anh Dũng Bội Tinh với Ngôi Sao Bạc. Một quân nhân như Dương Phục được thưởng Anh dũng bội tinh không có gì ngạc nhiên nhưng một phóng viên dân sự như chị Vũ Thanh Thủy mà được Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH tưởng thưởng huy chương anh dũng, cũng đủ thấy chị đã gan dạ lăn lóc trên các chiến trường không khác gì người lính.

Nhà báo Thái Hóa Lộc, bà Thu Nga, Giám đốc đài phát thanh 1600 AM, Hội trưởng Hội Văn Hóa Khoa Học DFW Trần Anh là những người đã lên giới thiệu với khán giả về tác giả cũng như tác phẩm, trong đó phần giới thiệu đầy đủ nhất là của Bác sĩ Nguyễn Văn Hào.

Thời lượng cho phát biểu quá nhiều, nên phần văn nghệ bị co giảm, dù vậy cũng làm tươi dịu lại không khí của hồi ký chiến trường trong phòng. Hoàng Chu, Thu Hương trong những chiếc áo dài xinh xắn đã hát rất hay bài “Xin đời một nụ cười” của Nam Lộc, và nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh với bài “Đất nước mình ngộ quá phải không anh” do chính anh phổ bài thơ của cô giáo Lam. Ngoài ra chị Vũ Thanh Thủy cũng rất dịu dàng trong trang phục áo dài, khó tưởng là chị đã từng mặc đồ lính khi đi làm phóng sự chiến trường như trong hình bìa cuốn hồi ký của chị.

Sách do Nửa Thế Kỷ phát hành, in đẹp, giá bán 30 Mỹ kim. Muốn mua sách hay order gửi tặng bạn bè xin liên lạc về:

Dương Phục & Vũ Thanh Thủy
Điạ chỉ: 10613 Bellaire Blvd, Suite 900 Houston, TX 77072.
Tel (713) 917-0050. Email info@radiosaigonhouston.com

Dương Phục-Vũ Thanh Thủy và ‘Tình Yêu-Ngục Tù và Vượt Biển’

July 8, 2016

Ngọc Lan/Người Việt

HOUSTON, Texas (NV) – “Tình Yêu-Ngục Tù & Vượt Biển” – hồi ký của hai cựu phóng viên chiến trường Dương Phục-Vũ Thanh Thủy, cũng là hai người bạn đời đã đi qua những giai đoạn khốc liệt, đau thương nhất của dân tộc này – thật sự cuốn hút người đọc hơn những điều người ta thường nghĩ.

Có ai đó nói với tôi rằng, “Những gì có trong quyển hồi ký chắc cũng chả khác mấy với những điều mà nhiều người đã viết trước đây, vì cũng có từng ấy sự kiện, ngày 30 Tháng Tư, rồi đi tù, rồi vượt biên. Nghe hoài, đọc hoài, thấy ai cũng như ai.”

Vợ chồng cựu phóng viên chiến trường Vũ Thành Thủy và Dương Phục cùng Hồi Ký “Tình Yêu-Ngục Tù và Vượt Biển” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Lời nhận xét đó cho thấy một điều: Họ chưa bao giờ cầm trên tay quyển sách, để có thể lật giở từng trang, để có thể đọc bằng mắt, và rồi bằng cả tâm tư của những người cùng màu da giọng nói về cảnh ngộ rất riêng của một con người, hai con người, nhiều con người, trước khi có thể hiểu một cách tường tận và thấu đáo hơn về cả dân tộc này với tất cả những oan khiên, nghiệt ngã mà họ đã trải qua.

Dĩ nhiên, cảm nhận về hồi ký “Tình Yêu-Ngục Tù & Vượt Biển” vẫn là của riêng mỗi người đi cùng kinh nghiệm sống, nhưng nỗi niềm, suy nghĩ của Dương Phục và Vũ Thanh Thủy đưa đến việc hình thành tác phẩm này khiến chúng ta cảm thấy trân trọng hơn những con người của một thế hệ được xem là chứng nhân của một giai đoạn lịch sử mà bất kỳ ai cũng không mong có sự lặp lại.

Quyển sách viết trong mấy chục năm

“Chúng tôi viết quyển sách này trong mấy chục năm, kể từ hồi đi vượt biển năm 1979, cứ viết lai rai, không có gì gấp rút,” Dương Phục, người đàn ông đã qua tuổi 70, từng là phóng viên chiến trường Đài Phát Thanh Sài Gòn & Quân Đội, mở đầu câu chuyện nói về quyển hồi ký.

Vũ Thanh Thủy, người phụ nữ có gương mặt đẹp cùng đôi mắt nhiều u uẩn, trình bày chi tiết hơn, “Tôi bắt đầu viết từ Tháng Chín, 1979, trên tàu vượt biên. Khi lênh đênh trên biển, cũng như lúc trên đảo Koh Kra, Thái Lan, thì đã hứa rằng sẽ không bao giờ quên những điều này, phải ghi lại những điều này, vì nó hãi hùng ngoài sức tưởng tượng của mình.”

Cứ thế, họ viết, trong hơn 35 năm.

Phóng viên Vũ Thanh Thủy cùng những hình ảnh những ngày ở đảo Koh Kra, Thái Lan. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

“Cho đến năm 2015,” theo nhà báo Dương Phục, “tất cả mới được gom góp, đúc kết lại. Bởi viết một cuốn sách mà như ba cuốn sách, giai đoạn phóng viên chiến trường hồi chiến tranh Việt Nam, rồi giai đoạn đi tù Cộng Sản, rồi giai đoạn vượt biên, cứ như ba trường đoạn khác nhau được ghép lại cùng nhau.”

Điểm độc đáo đầu tiên của hồi ký “Tình Yêu-Ngục Tù & Vượt Biển” nằm ở chỗ “cả hai tác giả cùng viết mà không cần liên lạc với nhau. Mỗi người viết chuyện của chính mình, sự kiện diễn ra trước mắt mình, rồi ghép lại, một khúc của Phục, một khúc của Thủy.”

Phần xúc động nhất của phóng viên Dương Phục khi dàn trải tâm tư mình chính là ở những dòng viết về hành trình vượt biển, vì “phải chứng kiến nhiều câu chuyện đau lòng.”

Với cựu phóng viên báo Tin Điển, Dân Ý, Sự Thật, Thần Phong Vũ Thanh Thủy thì “Giai đoạn 30 Tháng Tư là giai đoạn rất đau lòng.”

“Nói chung viết hồi ký thì phần nào cũng xúc động, vì phần nào cũng khiến mình sống lại thời điểm đó. Giai đoạn 30 Tháng Tư là giai đoạn rất đau lòng. Khi viết về thời thơ ấu, mình lại có cái xúc động nhẹ nhàng khi nhớ lại quá khứ tuổi thơ với gia đình, cha mẹ, anh em. Giai đoạn sống dưới chế độ Cộng Sản có lẽ là giai đoạn khó khăn nhất, khó khăn hơn cả giai đoạn vượt biển, khó khăn hơn là giai đoạn gặp hải tặc. Bởi vượt biển hay hải tặc thì mình biết chẳng bao lâu sẽ chấm dứt, hoặc mình sống hay chết. Nhưng giai đoạn bốn năm sống dưới chế độ Cộng Sản thì mình không biết ra sao, không có sự hy vọng nào, không biết bao giờ kết thúc. Thành ra nói giai đoạn nào xúc động nhất thì khó nói,” bà giải thích thêm.

Những điều lạ lùng và bí ẩn đã xảy ra

“Câu chuyện nào ông thấy lạ lùng nhất trong cuộc đời khi nhìn lại hết năm tháng đã qua?” Tôi hỏi nhà báo Dương Phục.

Bên chiếc bàn làm việc tại văn phòng của Radio Saigon Houston, cựu phóng viên chiến trường ngày nào từng được mệnh danh là “chai lỳ, xông xáo,” nói một cách điềm tĩnh, “Với tôi, tại sao lại có chữ tình yêu ở đây?”

Ông tiếp tục, “Dù là chiến trường đổ máu, mình chứng kiến bao nhiêu cái chết trước mắt. Rồi ngục tù, bao nhiêu bạn tù chết, vượt biển thì bao nhiêu người bị ném xác xuống đại dương. Nhưng vượt lên hết, mình để chữ tình yêu lên cao nhất, tại vì mình thấy tất cả những may mắn nếu không có Chúa chắc chắn là không có gì hết. Tình yêu này là tình yêu của Thượng Đế với con người, tình yêu giữa con người với con người.”

“Có những điều kỳ lạ xảy ra, có thể có người sẽ chỉ trích tôi, nhưng tôi không sợ bị chỉ trích, vì ngay cả trong chốn ngục tù cũng có một người cán bộ Cộng Sản tử tế với mình. Đó là sự rung động của con người. Hay trong số hải tặc cũng có ‘thằng’ hải tặc tử tế chứ không phải ‘thằng’ hải tặc nào cũng khốn nạn cả, thành ra mình nghĩ có sự rung động giữa tình người, tình yêu,” ông nói, như đang chiêm nghiệm lại những gì đã qua.

Với Thanh Thủy, “Điều đặc biệt nhất khi nhìn lại những biến cố, sóng gió đã qua chính là những điều may mắn xảy ra mà nếu người nào khác kể cho tôi nghe thì chắc chắn tôi không tin, không thể nào ngờ được. Đến giờ đó vẫn là những điều bí ẩn đối với tôi. Không thể nào giải thích được.”

Những “bí ẩn” đó được kể lại khá chi tiết trong phần VI “Trốn Chạy và Vượt Biển” và phần VII “Hải Tặc” của hồi ký

Phóng viên chiến trường Dương Phục tại đài Radio Saigon Houston, Texas (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

“Điều tôi nhận ra là trong những con người xấu, rất xấu, vẫn có những điều tốt tồn tại, để mình không thất vọng. Có những điều rất lạ, như khi đám hải tặc kéo phụ nữ đi hãm hiếp, con bé ba tháng tuổi của tôi bị bỏ nằm vất vưởng giữa mưa gió, vì ai cũng bỏ chạy, thế mà một tên hải tặc đi ngang đã dừng lại cởi áo nó đắp cho con bé. Không thể tưởng tượng được,” bà nêu một dẫn chứng về những điều đặc biệt mà bà có cơ hội nhìn thấy.

Bà Thanh Thủy tâm sự, “Sau mấy mươi năm, khi ngồi đọc lại toàn bộ những gì đã viết, tôi sáng lên nhiều điều. Chúng tôi viết quyển này không phải với cái đầu mà bằng cả trái tim, như một món nợ mà mình phải trả mà phải trả một cách trung thực, như có người nói ‘không được nói Việt Cộng là tốt, vì tất cả chúng đều xấu,’ nhưng thực tế không phải vậy, vẫn có người tốt.”

“Ngay ở trong phòng làm việc của mình, tôi treo tấm hình đảo Koh Kra, để mỗi khi bực mình chuyện gì, tôi nhìn vào đó để thấy rằng không có gì phải phàn nàn nữa hết, bởi khi mình đã đi qua những điều này thì những cái khác đều là chuyện nhỏ. Rồi mình cũng nhìn ra có những sự sống đáng sợ hơn cái chết, nhất là trong hoàn cảnh mình biết là sẽ chết mà không biết chết khi nào, rồi mình biết sẽ bị cái này sẽ bị cái kia, nhưng không biết lúc nào sẽ xảy ra,… những điều đó đáng sợ hơn sự chết rất nhiều,” người phụ nữ chứng kiến quá nhiều giông tố trong đời, suy ngẫm.

Bà cho rằng, “Khi con người còn có hy vọng, thì bất cứ chuyện gì rồi cũng có thể vượt qua.”

Tác phẩm để lại cho thế hệ sau

Cựu phóng viên Thanh Thủy chia sẻ, “Năm 1988 khi ký hợp đồng phim với Sterling Lord Literary Agency ở New York và hợp đồng sách với Robert Barnett, luật sư chuyên về tác quyền tại Washington D.C, chúng tôi mới lại nhìn thấy sự quan trọng của sự chính xác trong câu chuyện này. Vì câu chuyện này đâu còn là của riêng mình nữa, mà là câu chuyện của nhiều người, của cả dân tộc mình. Khi đó chúng tôi nghiêm túc hơn trong việc viết, trong việc sưu tập tài liệu.”

“Chúng tôi viết trong tư cách của một chứng nhân chứ không phải là viết tiểu thuyết. Chúng tôi là phóng viên, không phải nhà văn nên tất cả đều là sự thật, không phải hư cấu, thành ra cần nhấn mạnh để con cháu biết, đây là những sự kiện,” phóng viên Dương Phục nói.

Cũng trong tâm tình đó, ông cho rằng, “Đây là quyển sách để lại cho thế hệ sau.”

“Mục đích chính của cả hai vợ chồng khi viết là để lại cho mấy đứa con, mấy đứa cháu. Chúng lớn lên ở đây nên không biết bằng cách nào thế hệ ông bà bố mẹ mình đến đây, nó chỉ nghe loáng thoáng là đi vượt biển nhưng nó không biết chi tiết. Nó nghe loáng thoáng bố mẹ ông bà đi tù nhưng mà nó không biết tù gì… Thế nên chúng tôi viết để cho thế hệ sau biết. Ngay cả con chúng tôi, tôi cũng muốn chúng biết tại sao chúng có mặt ở đây,” ông nhấn mạnh.

Nhà báo Thanh Thủy khẳng định, “Nếu mình không trải qua nỗi bất hạnh sẽ không hiểu nổi hạnh phúc. Nếu mình không đi qua những khổ đau, mình sẽ không trân quý được cuộc sống. Đó là những thông điệp mà tôi muốn chia sẻ với mọi người.”

***

Hồi Ký “Tình Yêu, Ngục Tù và Vượt Biển” của hai cựu phóng viên chiến trường Dương Phục-Vũ Thanh Thủy do Tủ Sách Tiếng Quê Hương ấn hành, sẽ ra mắt độc giả vùng Little Saigon, Quận Cam vào lúc 2 giờ trưa, Chủ Nhật, 17 Tháng Bảy, 2016 tại Trung Tâm Công Giáo, 1538 Century Blvd, Santa Ana, CA 92703.

Liên lạc tác giả: ngoclan@nguoi-viet.com

PHÓNG SỰ CỘNG ĐỒNG

20 tháng 12, 2016

Ra mắt sách “Tình Yêu Ngục Tù và Vượt Biển”

Phóng sự về tiệc Tất Niên của Đặc San Diều Hâu Florida. Cũng trong dịp này, phóng viên chiến trường Dương Phục và Vũ Thanh Thủy đến từ Houston có buổi ra mắt sách ” Tình Yêu Ngục Tù và Vượt Biển “. Kính mời khán thính giả theo dõi phóng sự từ Orlando, Florida sau đây.

SBTN: Chúng tôi là Nguyễn Hữu Cang, SBTN Orlando. Hôm nay, chiều cuối tuần của Florida, đặc san Diều Hâu tổ chức tiệc tất niên và lồng vào buổi ra mắt sách Tình Yêu, Ngục Tù và Vượt Biển của đôi uyên ương phóng viên chiến trường Dương Phục và Vũ Thanh Thủy đến từ Houston. Xin kính chào anh chị Dương Phục và Vũ Thanh Thủy. Xin mời anh chị giới thiệu cho khán thính giả đài SBTN biết anh chị từ đâu tới đây.

Dương Phục: Dạ vâng, xin chào anh Nguyễn Hữu Cang, xin chào quý khán thính giả của đài SBTN. Chúng tôi là Dương Phục và Vũ Thanh Thủy đến từ Houston, Texas, và ngày hôm nay rất là vinh hạnh được ra mắt cuốn sách đến quý đồng hương ở thành phố Orlando và rất là cám ơn tờ báo Diều Hâu của anh Yên Sơn và anh Võ Hồng đã giúp chúng tôi tổ chức một cái buổi ra mắt sách thật là đầm ấm ngày hôm nay. Rất là cám ơn và rất là vinh hạnh được tới cái thành phố Orlando này.

SBTN: Và thưa chị, xin chị cho biết anh chị nguyên do nào mà viết cái cuốn sách này, nghe cái tên hấp dẫn quá.

Vũ Thanh Thủy: Vâng, xin chào anh Nguyễn Hữu Cang và xin chào quý khán thính giả của đài SBTN. Thưa anh, cái nguyên nhân mà viết cuốn sách này thì có lẽ từng người Việt Nam mình, của VNCH ngày xưa, đều có một câu chuyện để mà kể. Tất cả chúng ta đều trải qua cuộc chiến Việt Nam, trải qua những năm đọa đầy dưới chế độ Cộng Sản, và những chuyến vượt biên vượt biển đầy gian khổ. Ở đây ai cũng đều có câu chuyện để mà kể hết. Và chúng ta cũng vẫn mong ước là kể lại cho con cháu chúng ta nghe. Nhưng mà đối với tuổi trẻ thì rất là bận rộn trong cái xứ sở này, thì nó nghe đó xong rồi quên đó. Cho nên chúng tôi quyết định ghi lại trong cuốn này, trước hết là cho chính, theo cái sự yêu cầu của chính các con ở trong gia đình, và cũng nghĩ rằng mạn phép để mà thay tất cả những người đã cùng trong cái cảnh huống cùng là đồng bào miền Nam của mình, để cho con em của chúng ta hiểu được tại sao mình có mặt ở tại xứ sở bên này, và cũng hiểu được rằng chế độ Cộng Sản đã tàn ác, khắc nghiệt đến như thế nào. Dù 41 năm đã qua, nhưng mà cái chế độ đã vẫn hoàn toàn chưa hề thay đổi, và người dân miền Nam cũng vẫn phải chịu những khó khăn y như là chúng ta ngày xưa đã phải chịu sau ngày 30-4-1975.

SBTN: Thưa anh, anh có phải đi ở tù Cộng Sản không?

Dương Phục: Vâng có, như là đề tựa của cuốn sách của chúng tôi, chúng tôi là phóng viên chiến trường, cũng là sĩ quan trong Quân Đội VNCH, thành thử sau năm 1975 cũng phải đi tù.

THỜI BÁO

Buổi ra mắt sách của Võ Thanh Thủy-Dương Phục

Buổi ra mắt sách của Vũ Thanh Thủy-Dương Phục

On: May 27, 2016 In: Featured , Người Việt Năm Châu

Sáng Chủ nhựt vừa qua, tại nhà hàng Kim Sơn Houston (Texas), ông bà Vũ Thanh Thủy - Dương Phục đã tổ chức buổi lễ ra mắt sách Tình yêu-Ngục tù-Vượt biên, với khoảng 500 đồng hương và thân hữu tham dự.

Trước 1975, ông bà Thanh Thủy-Dương Phục đều là phóng viên chiến trường và hiện là Giám đốc đài phát thanh Sài gòn 900 AM tại Houston.

Nhận định về Tình yêu-Ngục tù-Vượt biên, ông Nguyễn Đạt Thịnh- Chủ bút Thời Báo Houston- đã viết như sau: "Tôi thích lối viết nhẹ nhàng, trẻ trung của hai tác giả Vũ Thanh Thủy-Dương Phục, hai phóng viên tôi được biết từ thuở chưa mất nước. Anh Dương Phục là một phóng viên chiến trường dấn thân,chịu gian khổ trong những ngày dài hành quân. Anh kể lại chuyện anh và Thanh Thủy đến đại lộ kinh hoàng quan sát thảm cảnh trên khúc đường máu phía Nam Quảng Trị, chứng kiến những cảnh đau lòng như vậy là một trong nhiều yếu tố giúp người phóng viên trưởng thành và nhân bản hơn…". " Mỗi dòng, mỗi chữ trong tác phẩm này là sự thật, đó chính là những gì để lại cho mai sau".

Bạch Cúc

Viễn Đông Newspaper

Phóng Viên Chiến Trường: Tình Yêu, Ngục Tù & Vượt Biển

Hồi ký - Dương Phục & Vũ Thanh Thủy * Giới thiệu - Trần Phong Vũ

Bài NHÓM TIN SÁCH

Trước 1975, Dương Phục từng là trưởng ban tin tức và phóng sự tại Đài Phát Thanh Quân Đội Sài Gòn và từng tham dự hầu hết các trận đánh sôi động tại khắp chiến trường miền Nam, miền Trung, Cao nguyên và Lào. Dương Phục cũng từng cộng tác với các báo Chính Luận, Sóng Thần, Tin Sống... Năm 1973, khi hiệp định ngưng bắn được ký kết ở Paris, Phục là thành viên của Ban Liên Hiệp Quân Sự Bốn Bên.


Vũ Thanh Thủy vào sinh hoạt với nhiều đam mê, nhiệt huyết của một ký giả và trở thành nữ phóng viên chiến trường khi còn rất trẻ. Những đoạn tự thuật của Thanh Thủy trong hình ảnh cô bé chớm bước qua tuổi 20 cả gan tình nguyện tháp tùng Bộ Chỉ Huy Quân Đoàn III của tướng Đỗ Cao Trí, tham gia chiến dịch Hành Quân Toàn Thắng 42 trên đất Cam Bốt là những đoạn thật căng thẳng nhưng cũng thật hấp dẫn. Thủy đã từng được Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tưởng thưởng Anh Dũng Bội Tinh với Ngôi Sao Bạc.

http://www.viendongdaily.com/res/fckfolder/Image/NewEditor/2016/8/22-Aug-2016/0822%20PHONG%20VIEN%20CHIEN%20TRUONG.png


Sự bén nhậy và tính năng động của cặp phóng viên trẻ được phơi bày rõ nét trong những cuộc hành quân trực thăng vận tại các vùng đồi núi Trung Phần, những điểm nóng phương Nam với các địa danh khét tiếng An Lộc, Bình Long. Những cảnh thương tâm, đầy xúc động trên Đại Lộ Kinh Hoàng, đoạn đường ngập xác nạn nhân nối liền Huế - Quảng Trị, Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Qua những gặp gỡ, trao đổi, những cuộc phỏng vấn chớp nhoáng với các tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Phạm Văn Phú, Trần Văn Hai, Dư Quốc Đống, Bùi Thế Lân, Đỗ Cao Trí... đang chỉ huy các quân đoàn chiến đấu trên chiến trường miền Nam vào giai đoạn khốc liệt nhất, tác giả gợi nhắc về một thời ngang dọc của QLVNCH trên khắp bốn vùng chiến thuật trước tháng Tư 1975.

Chuyện tù đày nối tiếp ở phân nửa tác phẩm với nhiều tình tiết gay cấn qua các toan tính thông minh, tỉ mỉ của Thủy để chuyển những lá thư cho Phục được giấu kín trong ruột điếu thuốc lá. Những lá thư hết sức nhỏ bé, chứa đựng tình yêu và cả một kế hoạch táo bạo mà sau này khi tình cờ phá vỡ, bọn cai tù đã mệnh danh là "kế hoạch giải thoát cải tạo viên của người vợ tù gián điệp CIA".

Truyện về vụ tháo cũi xổ lồng đầy mạo hiểm của Dương Phục vào một đêm mưa gió; cử chỉ bao che kín đáo hàm ẩn lòng nhân ái, vị tha của vị linh mục già không quen biết; những lần thoát hiểm trong tơ tóc trên đường trốn chạy, thay đổi chỗ trú ngụ triền miên sau đó; cuộc đọ sức bất cân xứng giữa hai kẻ mang danh "tội đồ" và những tay đầu nậu chuyên đưa người vượt biển; trên dưới hai mươi lần bị lừa trước khi tìm được đường dây khả tín cho hai cuộc hải hành cuối với nhiều bất trắc...

Phần cuối hồi ký thuật lại chuyến vượt biển kinh hoàng cuối năm 1979 với 81 người chen chúc trên chiếc thuyền chỉ dài 12 thước. Ra đến hải phận quốc tế, thuyền hỏng máy bập bềnh trôi không định hướng. Và rồi, sau 10 ngày hứng chịu sóng gió, nắng mưa, đói khát, những thuyền nhân đã sa vào tay hải tặc Thái Lan. Họ bị chúng cầm tù trên một đảo hoang mang tên Ko Kra và trở thành nạn nhân hằng ngày của khủng bố, săn đuổi. Trong suốt ba tuần lễ, hòn đảo trở thành địa ngục trần gian, nơi chỉ có người và quỷ. Thế nhưng, vẫn hiện lên những thiên thần hộ mạng can đảm một mình chống hải tặc như ông Ted Schweitzer.

Tuy thai nghén hơn 30 năm mới hoàn tất, nhưng cuốn hồi ký vẫn mô tả các sự kiện một cách chi tiết nhờ hai tác giả - với thói quen nghề phóng viên - đã ghi xuống hầu hết tất cả những điều mắt thấy, tai nghe; hơn nữa, hễ khi có được chiếc máy cassette là họ nói ngay vào máy. Một phần của sách là hồi ký "Vượt Ngục" của Dương Phục đã được viết từ năm 1983. Ký sự này được chuyển sang Anh ngữ với tựa đề "Escape!" và đoạt giải thưởng Báo Chí Distinguished Service Awards của Hội Ký Giả Chuyên Nghiệp Hoa Kỳ Sigma Delta Chi, năm 1987.

Phóng Viên Chiến Trường - Tình Yêu, Ngục Tù & Vượt Biển gồm 7 Phần: 1-Việt Nam sau Cuộc Chiến : Đất nước tơi bời / Dưới chế độ Cộng sản / 2- Dương Phục và Chiến Trường: Dương Phục / Chiến trận khốc liệt / 3- Vũ Thanh Thủy và Mặt Trận: Vũ Thanh Thủy / Những bài học chiến trường 4- Nghề và Nghiệp: Báo chí và chiến trường / Tình yêu và chiến trường / 5- Tù Ngục và Sinh Tồn: Trại cải tạo cộng sản / Trong ngục tù công an 6- Trốn Chạy và Vượt Biển: Sống đời trốn chạy / Gian nan vượt biển 6- Hải Tặc: Thảm kịch biển Đông / Những ngày địa ngục / Ngưỡng cửa sự sống Kết Phụ Bản (với hình ảnh và các bài báo Hoa Kỳ).

Tiểu sử tác giả
Dương Phục: Sinh năm 1945 tại Thanh Hóa. Phóng viên và Trưởng Ban Tin Tức Đài Quân Đội, Đài Phát Thanh Sài Gòn. 1975-77 tù nhân cộng sản. 1981-85 Staff Research Associate, University of California. Chủ tịch Đài Radio Saigon Houston 900AM, Texas. Từng đoạt nhiều giải thưởng về thương mại và báo chí tại Hoa Kỳ.
Vũ Thanh Thủy: Sinh năm 1950 tại Hà Nội. Trước 1975 phóng viên các báo Sài Gòn và Đài Tiếng Nói Tự Do. 1977-79 tù nhân cộng sản. 1982-85 News Assistant & Television Listing Editor, nhật báo San Diego Union-Tribune từ 1999 tới nay, Giám đốc Đài Radio Saigon Houston 900AM, Texas. Từng đoạt nhiều giải thưởng về truyền thông tại Hoa Kỳ.

Phóng Viên Chiến Trường: Tình Yêu, Ngục Tù & Vượt Biển
Tủ Sách Tiếng Quê Hương, 700 trang, giá $30 USD
Mua sách: Tủ Sách Tiếng Quê Hương, P.O. Box 4653, Falls Church, VA 22044.
Hoặc liên lạc: Mass Media Inc. - Radio Saigon Houston
10613 Bellaire Blvd, Suite 900, Houston, TX 77072 USA
Email: info@radiosaigonhouston.com - ĐT: (713) 917-0050

Tin Sách do Tủ Sách Tiếng Quê Hương & Book Club Nhà Việt Nam thực hiện nhằm giới thiệu các tác phẩm giá trị trong nước cũng như hải ngoại, kể cả các tác giả ngoại quốc.

Việt Báo Online

Phóng Viên Chiến Trường Dương Phục-Vũ Thanh Thủy Ra Mắt Tác Phẩm "Tình Yêu, Ngục Tù và Vượt Biển"

22/07/201600:00:00(Xem: 2609)

Westminster (Bình Sa)- - Chiều Chủ Nhật ngày 17 tháng 7 năm 2016 tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, một buổi ra mắt tác phẩm "Tình Yêu, Ngục Tù và Vượt Biển" của hai phóng viên chiến trường Dương Phục và Vũ Thanh Thủy đến từ Houston TX.

Mặc dù một buổi chiều Chủ Nhật tại Orange County rất bận rộn với nhiều sinh hoạt cộng đồng, nhưng đã có hàng trăm người đến tham dự, trong đó có rất nhiều nhà văn, nhà báo, nhân sĩ, trí thức thời Việt Nam Cộng Hòa.

blank


Điều hợp chương trình do Nhà báo Đinh Quang Anh Thái.

Sau phần nghi thức chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ, phút mặc niệm.

blank

Nhà báo Yến Tuyết, Biên Tập Viên Tin Tức của Đài Phát Thanh Sài Gòn cho đến 12 giờ trưa ngày 30.4.1975, thay mặt Ban tổ chức lên chào mừng và cảm ơn sự tham dự của tất cả. Bà cũng đã cám ơn anh Dương Phục và chị Vũ Thanh Thủy đã nói thay cho các phóng viên chiến trường, những người phóng viên được vinh danh một cách khiêm tốn vì họ là những chiến sĩ không vũ khí, cám ơn các cơ quan truyền thông đã loan báo tin buổi ra mắt sách, Bà cho biết: hai tác giả vốn là những người bạn lâu năm, bà noí: "Hai phóng viên nầy đã không quản ngại gian nan, nguy hiểm để có những tin tức chiến trường đầy đủ chi tiết, trung thực cho ban tin của Đài Saigon. Một Dương Phục đã cho thính giả theo dõi đầy đủ về chiến trường An Lộc, về những thảm cảnh trên đại lộ Kinh Hoàng qua những bản tường trình sống động tại chỗ. Một Vũ Thanh Thủy vẽ lại trung thực những kinh hoàng của cuộc vượt biển và những công tác cứu trợ sau khi hai người thoát được cơn nguy khốn…"

blank
Tiếp theo ban tổ chức đã cho mọi người xem lại một đoạn video ngắn 5 phút, trích trong một phóng sự dài của Đài Truyền Hình ABC, do ký giả Stone Phillips của chương trình "20/20" đi theo chị Vũ Thanh Thủy lên con tàu Pháp về tận vịnh Thái Lan, và đoạn anh Dương Phục công tác tại trại tỵ nạn Palawan, Phi Luật Tân.
Sau đó, Nữ tài tử Kiều Chinh lên phát biểu, trong lời nói xúc động bà nói ngắn: "Tác phẩm của Dương Phục và Vũ Thanh Thủy gói ghém được cuộc đời của tất cả chúng ta trong các giai đoạn chiến tranh, ngục tù và những cuộc vượt biển kinh hoàng. Theo tôi, đó phải là một cuốn phim vĩ đại nói về lịch sử của người Việt Nam. Bởi nó được viết bởi chính người Việt Nam trong cuộc, những sự việc nêu ra không bị vo tròn bóp méo vì chính kiến, quan điểm…"

blank
Tiếp theo nhạc sĩ Nam Lộc, mở đầu ông cho biết, "ít khi đọc sách, bởi hễ cứ đọc được vài trang là ngủ gục." Nhưng lần này, cầm cuốn sách 700 trang của Dương Phục và Chị Vũ Thanh Thủy thì nó đã lôi cuốn đến độ khi đọc đến trang cuối thì cứ tiếc rẻ sao không còn vài ba trăm trang nữa. Sở dĩ có điều thay đổi như thế là vì "cuốn sách đã cho tôi cảm nhận được thật sâu sắc những khổ đau của người ở lại."

Phần phát biểu của Nhà văn, nhà báo Bùi Bích Hà, Bà đã nói nhiều về tình yêu trong cuốn sách. Tình yêu không chỉ ở hai người nam nữ. Tình yêu qua khắp tình gia đình, tình bạn bè. Qua lời kể của Vũ Thanh Thủy, chính tình yêu làm cho hai người vượt qua nổi những khó khăn, gian nan, khổ ải, nhục nhằn, thoát ra được những thảm nạn… Và cuối cùng Bà cũng mong mọi người chúng ta hãy "Sống tử tế với nhau."

blank
Nhà văn Trần Phong Vũ trong lời phát biểu, ông đã cho biết, đối với hai tác giả Dương Phục và Vũ Thanh Thủy là những người ông đã biết từ thuở nhỏ nơi quê hương và ông tiếp: " Theo ghi nhận của chúng tôi thì Cuốn sách có ba điểm Lạ-Hiếm-Quí. Trong cùng một sự việc, mỗi tác giả viết riêng về câu chuyện của mình, nhận xét, ý nghĩ của mình. Nên vì thế mà sự việc được kể đến dưới hai cái nhìn, khiến độc giả thấy được rõ hơn mọi tình tiết một cách trung thực. Phần hình ảnh trong cuốn sách giữ được vai trò minh chứng cho những lời kể, mà đó lại là những hình ảnh rất hiếm, ít thấy trong các cuốn sách đã in về chiến tranh Việt Nam."

blank
Sau đó, Cựu Thiếu Tá Hồ Đắc Huân, một trong ba tác giả viết cuốn Quân Sử VNCH đã được Ban tổ chức mời lên sân khấu để trao tặng phóng viên Dương Phục tấm ảnh Dương Phục chụp chung với một bộ đội Việt Cộng khi anh tháp tùng phái đoàn quân sự bốn bên ra Hà Nội chứng kiến việc Bắc Việt trao trả tù binh Mỹ, và một tài liệu "Hà Nội 1973" phỏng vấn Thiếu Tá Phạm Huấn và Thiếu Úy Dương Phục sau chuyến ra Hà Nội quan sát vụ thả tù binh Mỹ. Tấm hình do Thiếu Tá Hồ Đắc Huân sưu tầm được, còn tài liệu ông xin được của nhà báo Phạm Phong Dinh.

Phóng viên Dương Phục cám ơn Thiếu Tá Hồ Đắc Huân và ông nói: " ông chỉ xin nửa tấm hình,còn nửa kia có tên bộ đội VC thì chắc ông sẽ cắt hắn ra"

blank

Tiếp theo chương trình là phần trả lời những câu hỏi của đồng hương cũng như thân hữu tham dự.

Tiình Yêu, Ngục Tù và Vượt Biển dầy 700 trang do tủ sách Tiếng Quê Hương ấn hành. Hình bìa do Đinh Tiến Luyện trình bày.

Trong lời giới thiệu đầu tiên do Nhà văn Trần Phong Vũ và tiếp theo là những nhà văn: Dương Kiền, bình luận gia Nguyễn Đạt Thịnh, Đinh Tiến Luyện, Nguyễn Ngọc Bảo, Lê Văn, Văn Quang.

Đây là cuốn sách kể lại tất cả những gì đã xãy ra một cách trung thực từ chiến trường khốc liệt nhất cũng như những thảm cảnh sau biến cố tháng Tư…

Quý độc giả muốn có sách xin liên lạc (713) 917.0050 hay email tới info@radiosaigonhouston.com .

logo

VOA Vietnamese Audio Tube

Chương trình mới nhất

Bài viết

Ra mắt hồi kí 'Tình yêu, Ngục tù và Vượt biển'

Tin tức: http://www.facebook.com/VOATiengViet, http://www.youtube.com/VOATiengVietVideo, http://www.voatiengviet.com.
Nếu không vào được VOA, xin các bạn hãy vào http://vn3000.com để vượt tường lửa.

Hôm Chủ Nhật 23/10 vừa qua, buổi ra mắt hồi ký "Tình Yêu, Ngục Tù, và Vượt Biển" của hai cựu phóng viên chiến trường Dương Phục và Vũ Thanh Thuỷ đã diễn ra tại nhà riêng của ông bà Charles Cường và Kim Yến tại tiểu bang Virginia.

Giống như tựa đề: Tình Yêu, Ngục Tù và Vượt Biển, cuốn hồi ký của hai phóng viên chiến trường Việt Nam Cộng Hoà nói về cuộc đời thăng trầm cùng với những biến cố lịch sử của dân tộc.

Không giống như rất nhiều cuốn hồi kí khác về giai đoạn từ năm 1970, "Tình yêu, Ngục tù và Vượt Biển" là những quan sát sắc sảo qua con mắt của những phóng viên chiến trường dạn dày khói lửa, là những trải nghiệm vừa bi thương nhưng cũng vô cùng lãng mạn của cặp vợ chồng nên duyên trong bom đạn chiến tranh, cùng vượt qua những biến cố khủng khiếp của cuộc đời và cả những lần thoát chết tưởng chừng như chỉ có trong tiểu thuyết.

Nói về tựa đề cuốn hồi ký, ông Dương Phục chia sẻ: "Cuộc đời chúng tôi đi làm phóng viên chiến trường vào sinh ra tử rồi bị đi tù, rồi vượt biển, những chúng tôi nghĩ rằng trên tất cả mọi sự thì tình yêu phải được đặt cao lên trên hết, nó không phải là tình yêu vợ chồng lứa đôi mà là tình người, và trước hết là tình yêu thiên chúa đã che chở chúng tôi suốt qua tất cả những đoạn đường đó."

Giống như nhiều người lênh đênh trên biển tìm đến bến bờ tự do, Dương Phục và Vũ Thanh Thuỷ đã không may đụng độ hải tặc Thái Lan, và phải trải qua những tháng ngày kinh hoàng trong hang ổ của bọn cướp tại một hòn đảo nhỏ có tên Koh Kra.

Bà Vũ Thanh Thuỷ: "Trong 21 ngày đêm trên đảo Kra, chúng tôi phải chạy trốn một cái cuộc săn người, săn như săn thú, trốn trên hang động, trên cây cao, trong các bụi rậm đầy rắn rết" Ông Dương Phục: "Dĩ nhiên là buồn phiền đau khổ uất ức lắm, thế nhưng cái giá phải trả cho tự do chúng tôi đành phải chấp nhận"

"Tình Yêu, Ngục Tù và Vượt Biển" không đơn thuần là một câu chuyện mang màu sắc cá nhân như nhiều cuốn hồi kí khác, nó còn là nỗ lực của Dương Phục và Vũ Thanh Thuỷ góp một mảnh ghép, tuy nhỏ nhưng chân thực, vào bức tranh miền Nam Việt Nam trước 75, về chế độ VNCH mà theo hai tác giả, là đã bị truyền thông phản chiến và lực lượng học giả thiên tả của Mỹ bóp méo một cách nghiêm trọng.

Bà Vũ Thanh Thuỷ: "Nếu không biết thì không thể nào mà thương, quý, trọng được, thành ra hy vọng qua cuốn sách này chúng tôi gửi một cái thông điệp đến giới truyền thông Hoa Kỳ để họ nhìn lại và có một cái nhìn đứng đắn hơn, công bằng hơn đối với Việt Nam Cộng Hoà."

Cuốn "Tình Yêu, Ngục Tù và Vượt Biển" do Tủ sách Tiếng Quê Hương phát hành, có giá bìa là 30 đô la Mỹ.